Hỏi
Năm 2018 vợ chồng tôi thuận tình ly hôn, theo thỏa thuận ly hôn thì tôi để chồng nuôi con (khi đó bé 5 tuổi), do điều kiện kinh tế của chồng tôi tốt hơn, còn tôi thì chưa có việc làm. Hiện nay, chồng tôi tái hôn với vợ mới, tôi lo ngại việc chung sống mẹ kế con riêng, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bé, vì bé có tâm sự với tôi là không thích sống cùng mẹ kế, chỉ muốn về ở với mẹ. Nên tôi muốn hỏi có cách nào giành lại quyền nuôi con khi đã ly hôn không? Hiện tại tôi đã có việc làm và đủ khả năng chăm sóc con.
————
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/08/gianh-quyen-nuoi-con-300x300.png)
Trả lời:
Sau khi ly hôn, tòa án sẽ ra quyết định trao quyền trực tiếp nuôi con cho 1 bên vợ hoặc chồng, dựa trên các điều kiện về vật chất và tinh thần đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, quyết định này không mang tính chất cố định mà có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào sự thay đổi các điều kiện đời sống vật chất và tinh thần sau ly hôn.
Trong nhiều trường hợp, xét thấy người đang trực tiếp nuôi con gặp nhiều khó khăn, không đủ điều kiện để nuôi dưỡng và giáo dục con được tốt nhất thì tòa án có thể xem xét để thay đổi quyền nuôi con, giao cho người có đủ điều kiện nuôi con tốt hơn để trực tiếp nuôi nhằm đảo bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ.
Căn cứ Khoản 1, Khoản 2, Điều 84, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Trong tình huống của bạn, bé hiện đã hơn 7 tuổi và bày tỏ nguyện vọng muốn sống cùng mẹ thì là một cơ sở quan trọng để tòa án cân nhắc trong quyết định thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.
Về phần mình, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các cơ sở chứng minh mình có điều kiện nuôi con được tốt hơn như: tài chính, chỗ ở, thời gian chăm sóc, giáo dục con… để tạo lợi thế tối đa để giành quyền nuôi con sau ly hôn.
—————–
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm
– Đơn yêu cầu (hoặc đơn khởi kiện) thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
– Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
– CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu.
– Trích lục giấy khai sinh của con.
– Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
Thời gian xử lý yêu cầu (hoặc vụ án có tranh chấp) thay đổi quyền nuôi con từ 2 – 6 tháng tùy từng trường hợp.