Hỏi:
Tôi và vợ kết hôn năm 2010, do quá trình chung sống xảy ra nhiều mâu thuẫn nên hiện tại chúng tôi đã ly hôn năm 2021. Nhưng trong bản án của tòa, việc phân chia tài sản không thỏa đáng, tôi cho rằng công sức đóng góp của tôi nhiều hơn nên muốn kháng cáo bản án này. Vậy tôi có thể kháng cáo bây giờ được không? Kháng cáo tại đâu?
———-
Trả lời:
Kháng cáo bản án ly hôn là một thủ tục tố tụng dân sự được thực hiện khi một trong hai bên vợ chồng không đồng ý với bản án ly hôn do tòa án sơ thẩm tuyên. Bên đương sự không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm có thể làm đơn kháng cáo để đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại.
———-
Ai có quyền yêu cầu kháng cáo?
Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Căn cứ Khoản 22, Điều 70 của luật này).
Như vậy, vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền kháng cáo bản án ly hôn của tòa sơ thẩm nếu không đồng ý với nội dung trong bản án.
———-
Tòa án có thẩm quyền xử lý
Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền thụ lý các yêu cầu kháng cáo bản án sơ thẩm.
Căn cứ Khoản 2, Điều 37, Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo.
Trong trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài hoặc các vụ án ly hôn do tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên án sơ thẩm thì thẩm quyền phúc thẩm vụ án thuộc tòa án nhân dân cấp cao (Khoản 1, Điều 29, Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014).
———-
Thời hạn kháng cáo là bao lâu?
Căn cứ Khoản 1, Điều 273, Luật tố tụng dân sự 2015 về Thời hạn kháng cáo thì: “Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.”
Trong trường hợp của bạn, thời điểm ly hôn là năm 2021, tính đến hiện tại thì thời hạn để kháng cáo đã quá hạn.
Căn cứ quy định tại Điều 275, Luật Tố tụng dân sự 2015 về Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn thì Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.
Như vậy, tùy theo tính hợp lệ của hồ sơ kháng cáo mà hội đồng xét xử sẽ xem xét có thụ lý yêu cầu kháng cáo quá hạn của bạn hoặc không.
______________________________________
CÔNG TY LUẬT ANSG
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN NGAY
089 977 99 08 hoặc Hotline 1900 7264
ansglaw@gmail.com
64 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM