Danh mục các tập quán lạc hậu được ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Có thể hiểu tập quán hôn nhân và gia đình Việt Nam là :”Tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.” (Khoản 4, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc với sự phong phú về các tập quán truyền thống. Tuy nhiên, theo tiến trình phát triển của xã hội, có những tập quán đã không còn phù hợp và cần được điều chỉnh, thay đổi hoặc thậm chí là chấm dứt. Pháp luật Việt Nam hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và bình đẳng, do đó cũng song song với việc từng bước xóa bỏ các tập quán lạc hậu và ngăn cấm các tập quán không còn phù hợp với thời đại.
Căn cứ theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành kèm theo mục lục Các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng bao gồm:
- Chế độ hôn nhân đa thê.
- Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời.
- Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ.
- Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới).
- Phong tục “nối dây”; Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố.
- Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ.
- Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
- Chế độ hôn nhân đa thê:
Chế độ hôn nhân đa thê được hiểu là hôn nhân giữa một người đàn ông và nhiều người phụ nữ tại cùng một thời điểm. Đây là chế độ hôn nhân được chấp nhận rộng rãi tại Việt Nam dưới thời phong kiến. Theo đó, một người đàn ông có thể lập một thê (vợ chính thức) và cưới thêm nhiều thiếp (vợ lẻ), trong gia đình sẽ có sự phân cấp thứ bậc giữa những người vợ. Người vợ cả là chính thê sẽ có những quyền hành và quyền lợi cao hơn so với những người vợ nhỏ, những đứa con do vợ cả sinh ra cũng vì thế mà sẽ có địa vị cao hơn so với con của vợ lẻ.
Mặc dù người đàn ông được cưới nhiều vợ nhưng xã hội sẽ không chấp nhận người phụ nữ cưới nhiều chồng. Nghĩa vụ chung thủy gần như mặc định là nghĩa vụ của duy nhất nữ giới. Dưới chế độ hôn nhân này thì địa vị của người phụ nữ bị đặt ở vị trí thấp. Do đó, chế độ đa thê đi ngược lại những giá trị bình đẳng, tiến bộ giữa nam và nữ trong xã hội hiện đại. Nguyên tắc của pháp luật về Hôn nhân và gia đình Việt Nam là “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.” (Khoản 1, Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Và nghĩa vụ chung sống và chung thủy theo luật hiện hành là của cả hai vợ chồng, không có sự phân biệt về giới. Khi áp dụng tập quán hôn nhân đa thê ở thời điểm hiện tại, thì hành vi cưới thêm “vợ nhỏ” khi đang có hôn nhân sẽ vi phạm hành vi bị cấm theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 5: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”. Căn cứ vào từng mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự đối với hành vi trên.
Xem thêm: Xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
2. Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời:
Hoàng Việt luật lệ (hay còn được gọi là Bộ luật Gia Long) được ban hành năm 1815 và cả bộ luật Hồng Đức là những cổ luật của Việt Nam cũng có các quy định về việc cấm kết hôn giữa những người có quan hệ thân tộc với nhau như “Cấm anh lấy vợ goá của em, em lấy vợ goá của anh, trò lấy vợ goá của thầy” (Điều 324 – bộ luật Hồng Đức) và cả những mối quan hệ đạo nghĩa bên ngoài thầy trò,… Mục đích của việc cấm kết hôn này là vì bảo vệ các giá trị đạo đức và tôn ti lễ nghĩa của Nho giáo, bởi đó được xem là Nhân nghĩa, Đạo đức của con người. Nhưng hiện nay, bên cạnh việc kế thừa các giá trị đạo nghĩa truyền thống thì pháp luật hiện hành cũng nghiêm cấm việc kết hôn giữa những người có cùng trực hệ huyết thống nhằm mục đích ngăn chặn sự giao phối cận huyết gây ra các hệ lụy di truyền không tốt cho thế hệ sau. Căn cứ Khoản 18, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.”.
Các giá trị đạo nghĩa truyền thống như tình thầy trò, quan hệ huynh đệ bên ngoài xã hội sẽ không nằm trong phạm vi bị cấm kết hôn, bởi góc độ nhìn nhận về quan hệ xã hội và quyền tự do của con người hiện nay đã khác ngày xưa.Tuy nhiên, những quan hệ không có huyết thống nhưng có quan hệ nuôi dưỡng hoặc các quan hệ gia đình như cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng cũng nằm trong trường hợp bị cấm kết hôn nhằm bảo vệ những nét đẹp thuần phong mỹ tục trong văn hóa gia đình Việt Nam.
Xem thêm: Kết hôn cận huyết là thế nào? Kết hôn trong phạm vi 3 đời như thế nào
3. Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ
Tục cướp vợ hay còn được gọi là tục bắt vợ, là một trong những tập quán văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Phong tục này khởi nguyên là một ý tưởng tốt đẹp, theo đó các đôi trai gái yêu đương nhau sẽ có cơ hội tìm hiểu nhau trước, họ đồng ý trao duyên cho nhau và tục bắt vợ chỉ diễn ra như một nghi thức địa phương. Tuy nhiên, phong tục này hiện nay đã xảy ra nhiều biến tướng bất cập, thậm chí là sự thô bạo trong phương thức “bắt vợ” hay việc cưỡng ép, bắt buộc người phụ nữ làm vợ đã khiến cho phong tục này bị xã hội lên án. Nhằm bảo vệ quyền tự do hôn nhân mà pháp luật đã có những quy định cụ thể để nghiêm cấm hành vi bắt vợ trái phép.
4. Thách cưới cao mang tính chất gả bán
Thách cưới mang tính chất gả bán như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới. Việc đòi hỏi các sính lễ cưới cao được xem là “yêu sách” của cải trong kết hôn. Đó là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ. Và hành vì này bị cấm đã được ghi nhận tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Trong thực tế, tục thách cướp, nộp tiền tài dẫn cưới là một trong những tập quán văn hóa của người Việt Nam, phổ biến nơi với các nghi lễ và yêu cầu lễ vật khác nhau. Việc gia đình nhà trai đưa sính lễ qua nhà gái là nhằm thể hiện sự trân trọng gia đình vợ, bày tỏ sự biết ơn về công nuôi dưỡng của bố mẹ vợ. Nó vừa là tấm lòng cũng vừa là nghi thức trang trọng để đón vợ về nhà. Tuy nhiên, mức lễ vật, sính lễ là bao nhiêu? Thế nào là nhiều và thế nào là ít thì lại khó được đong đếm hay quy định cụ thể, bởi tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà sẽ khác nhau. Mặc dù vậy, nếu có căn cứ cho rằng mức sính lễ mà bên nhà gái đặt ra vượt quá mức đáp ứng của bên nhà trai hoặc thậm chí gây cản trở, gây khó khăn cho việc kết hôn của đôi trẻ thì sẽ bị xem là hành vi “yêu sách về của cải” có tính chất gả bán trong hôn nhân.
Xem thêm: Thách cưới có vi phạm pháp luật không và bị xử lý như thế nào?
5. Phong tục “nối dây”:
Phong tục “nối dây” hay còn gọi là tục “Juê Nuê” là một tập quán truyền thống của người Eđê. Theo đó khi người chồng chết thì người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thay thế một người em trai chồng để làm chồng và ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng. Phong tục nối dây hiện nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng người Êđê.
Hình thức hôn nhân này gây nhiều hệ lụy cho cả người phụ nữ và người đàn ông, bởi hôn nhân nối dây không được xây dựng trên cơ sở tự nguyện mà là sự cưỡng ép. Gần như người em gái, em trai… của những người vợ, người chồng mất sẽ không có quyền lựa chọn hôn sự cho mình mà bị buộc phải thay thế vào vị trí của người mất. Điều này cũng đi ngược lại tinh thần xây dựng gia đình văn minh, tự do, bình đẳng mà Việt Nam đang hướng tới. Do đó, kể từ khi Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hiêu lực thì nhưng hành vi cưỡng ép kết hôn, thực hiện tục nối dây trong hôn nhân sẽ bị ngăn cấm thực hiện.
6. Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ
Trong quá khứ, đặc biệt là dưới chế độ phong kiến, thì việc cải giá (tái giá, kết hôn lần hai) là một trong những điều bị ngăn cấm. Đối với người phụ nữ, khi người chồng qua đời thì họ vẫn sẽ tiếp tục sống dưới danh phận góa phụ, hạn chế quyền kết hôn với người đàn ông khác, chẳng hạn trong bộ luật Hồng Đức có quy định Cấm mệnh phụ phu nhân cải giá: Mệnh phụ phu nhân(vợ quan chức) mà chồng chết tuy mãn tang mà tái giá phạt 80 trượng, truy thu bằng sắc vua khen trước đây, bắt phải ly dị, tiền cưới cho vào quan… Việc người phụ nữ góa chồng tái hôn sẽ phải đứng trước hình phạt và bồi thường tài sản. Ngày nay, mặc dù việc tái hôn đã được xã hội chấp nhận nhưng vẫn còn nhiều nơi xuất hiện các hủ tục buộc người vợ hoặc người chồng góa phải trả lại tiền cưới – một đòi hỏi về tài sản vô lý và cũng không được pháp luật cho phép.
Trên phương diện pháp luật và cả trên phương diện xã hội, việc người vợ hoặc người chồng chết thì hôn nhân của hai người cũng chấm dứt kể từ thời điểm đó (Căn cứ Điều 65, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Do đó, việc kết hôn với người khác hoàn toàn là quyền tự do chính đáng của một con người, họ không có nghĩa vụ phải trả lại tiền cưới hay đền bù tài sản cho bất kì một ai khác.
7. Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn
Tương tự như các tập tục buộc trả lại tiền cưới khi góa vợ, góa chồng thì khi ly hôn một số nơi cũng buộc người đó phải trả lại của cải, tài sản. Việc ly hôn là quyết định được pháp luật bảo hộ của cá nhân. Hành vi “phạt vạ” hay yêu sách đòi lại của cải khi ly hôn được xem là hành vi cản trở ly hôn được quy định tại Khoản 10, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Do đó, tập tục này cũng bị pháp luật ngăn cấm vì đi ngược lại sự tiến bộ xã hội, xâm phạm đến quyền tự do quyết định của mỗi cá nhân.