Hòa giải ly hôn là gì?
Hòa giải là một trong những phương pháp giải quyết các tranh chấp dân sự thông qua việc đối thoại để thúc đẩy thỏa thuận cho các bên với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hoà giả.
Vai trò của người hòa giải là hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau. Trong các tranh chấp ly hôn thì việc hòa giải là thuyết phục hai bên vợ chồng hàn gắn lại mối quan hệ.
Công tác hòa giải cũng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình nhằm kịp thời giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình. (Khoản 3, Điều 4, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
——————-
Có bắt buộc phải hòa giải khi ly hôn?
Hòa giải khi ly hôn là một phần trong thủ tục giải quyến vụ án và vụ việc ly hôn. Có 2 cấp hòa giải ly hôn là:
– Hòa giải cơ sở;
– Hòa giải tại tòa án.
Căn cứ Điều 52, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 Khuyến khích hòa giải ở cơ sở: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Theo đó, việc hòa giải cấp cơ sở (hòa giải tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, cộng đồng dân cư… căn cứ Khoản 2, Điều 2, Luật Hòa giải cơ sở 2013) được khuyến khích thực hiện, không phải là một thủ tục bắt buộc nhưng lại rất cần thiết. Bởi ở phạm vi cơ sở có mức độ thân tình nhất định, việc hòa giải diễn ra trên tinh thần tự nguyện, thoải mái trao đổi và lắng nghe nhau.
Căn cứ Điều 54, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về hòa giải tại Tòa án: Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 10, Luật Tố tụng dân sự 2015 về Hòa giải trong tố tụng dân sự thì Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, việc hòa giải tại tòa án trong ly hôn là một phần trách nhiệm mà tòa án phải thực hiện khi thụ lý yêu cầu ly hôn. Do đó có thể xem đây là một thủ tục bắt buộc thực hiện khi ly hôn. Kể cả khi hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn hay ly hôn đơn phương đều phải thực hiện thêm bước hòa giải tại tòa.
Tòa án sẽ tổ chức hòa giải, tạo điều kiện cho hai bên vợ chồng cùng đối thoại, thỏa thuận hàn gắn lại với nhau hoặc thỏa thuận giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp có liên quan.
Việc hòa giải có thể được tiến hành đến 2-3 lần tùy theo từng trường hợp.
——————-
Tuy nhiên, không phải lúc nào hòa giải trong ly hôn cũng là bắt buộc thực hiện, bởi có nhiều trường hợp tòa án sẽ xem xét không tiến hành hòa giải. Đó là các trường hợp được quy định tại Điều 19, Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020:
– Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
– Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
– Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.
– Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
– Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.
– Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trong thực tế, 2 tình huống phổ biến nhất trong giải quyết ly hôn mà không cần hỏa giải là khi:
– Một trong hai bên vợ chồng mất năng lực hành vi dân sự.
– Các bên làm đơn đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải.
NỘI DUNG ĐƠN YÊU CẦU KHÔNG HÒA GIẢI LY HÔN
– Tiêu đề: Đơn đề nghị ( về việc yêu cầu không hòa giải ly hôn).
– Gửi, TAND có thẩm quyền thụ lý;
– Chủ thể: Vợ, chồng, ngày tháng năm sinh, thông tin chứng minh nhân thân;
– Lý do ly hôn;
– Lý do không cần hòa giải;
– Cam kết;
– Đương sự làm đơn yêu cầu ký tên
——————-
Thời gian hòa giải tại tòa mất bao lâu?
Căn cứ Điều 20, Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020 về Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
2. Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.