Hỏi:
Trước đây bố tôi có làm thủ tục tặng cho tôi một căn nhà tại TP.HCM khi tôi kết hôn. Tôi đã lập gia đình và sống riêng từ thời điểm đó. Hiện nay bố tôi bệnh nặng và đã qua đời, để lại nhiều tài sản nhưng không có di chúc. Cho tôi hỏi, trường hợp của tôi đã được bố cho tài sản trước khi mất thì tôi có được quyền hưởng thừa kế của bố tôi để lại nữa không?
![thừa kế](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/07/thua-ke-1-300x300.png)
————-
Trả lời:
Bố bạn mất không để lại di chúc thì di sản đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người có quyền thừa kế theo luật định.
Căn cứ Điều 649, Bộ Luật Dân sự 2015 về Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Căn cứ Điều 651, Bộ Luật Dân sự 2015 về Những người có quyền thừa kế theo pháp luật bao gồm:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, bạn là con ruột của bố mình nên bạn hoàn toàn có quyền được hưởng thừa kế và nằm trong hàng thừa kế thứ nhất theo luật định. Bạn sẽ được hưởng phần thừa kế ngang bằng với những người đồng thừa kế của mình (mẹ bạn, các anh chị em, ông bà nội…)
Tài sản căn nhà mà bố bạn cho tặng trước khi mất thể hiện nguyện vọng, ý chí của người sở hữu muốn chuyển giao quyền sở hữu tài sản (thông qua việc tặng cho) cho con cái của mình là một nguyện vọng chính đáng và được pháp luật bảo trợ thực hiện. Căn cứ Điều 238, Bộ Luật Dân sự 2015 về Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác
Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.
Như vậy, tài sản căn nhà bố bạn cho trước khi chết là tài sản được tặng cho hợp pháp của bạn, nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng gì đến quyền thừa kế di sản của người chết. Tài sản được tặng cho trước thời điểm mở thừa kế và di sản thừa kế tại thời điểm mở thừa kế là hoàn toàn khác nhau.
______________________________________
CÔNG TY LUẬT ANSG
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN NGAY
![☎](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t22/1/16/260e.png)
![✉](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t37/1/16/2709.png)
![📌](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/tac/1/16/1f4cc.png)