5 Bài học vượt qua nỗi đau sau ly hôn
Trong một tương lai gần sau ly hôn, đó gần như là giai đoạn khủng hoảng và suy sụp nhất của cảm xúc. Có người sẽ bị cuốn theo cảm xúc bi lụy, bi quan, họ chìm đắm trên con tàu xúc cảm đẩy họ ngày càng xa bến bờ hạnh phúc. Nhưng cũng chính giai đoạn đó, những người cuối cùng tìm được hạnh phúc thật sự có một số đặc điểm chung.
![5 bài học vượt qua nỗi đau](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/07/5-bai-hoc-vuot-qua-noi-dau-300x300.png)
————–
1. Sự chấp nhận và sự thỏa hiệp
Không cần chú trọng những gì đã dẫn cuộc hôn nhân đến đoạn kết tan vỡ, việc tranh cãi và tiếp tục chỉ trích đối phương sẽ chỉ làm cho thực tại thêm tồi tệ. Điều đáng mừng là những người đang bị tổn thương đã bắt đầu thích nghi với thực tại, họ chấp nhận sự thật rằng cuộc hôn nhân hiện tại đã kết thúc, họ cũng chấp nhận rằng mình và đối phương sẽ không còn tiếp tục đồng hành cùng nhau nữa. Sự chấp nhận này là bước đầu tiên giúp họ đối diện được với nỗi đau, là điều cần thiết giúp họ có thể vượt qua được quá khứ dễ dàng hơn.
Thắng một cuộc cãi vả nhưng thua một mối quan hệ, liệu điều đó có xứng đáng? Sự thỏa hiệp chính là thái độ nhượng bộ, chấm dứt sự xung đột với người mình yêu thương, bởi tình yêu vợ chồng không phải là một cuộc chiến, mà đó là nơi mà người ta mong muốn bảo vệ nhau, vì nhau mà nhượng bộ, vì tôn trọng nhau mà ngừng công kích.
————–
2. Nhìn nhận trách nhiệm bản thân
Ý thức phản tỉnh – đó chính là trạng thái người ta bắt đầu tập trung vào bên trong mình, sự quay trở về bên trong để quan sát tâm mình. Đó là lúc họ nhận ra, không ai trong cuộc sống là không mắc sai lầm và họ cũng vậy. Tất cả những gì xảy đến với chúng ta hôm nay, đều là do chúng ta góp một phần sức lực để tạo thành. Đau, nhưng phải thừa nhận.
Khi nhận ra trách nhiệm của bản thân mình, bạn sẽ có xu hướng xoa dịu được nỗi đau, bắt đầu ý thức hơn về sự tha thứ. Tha thứ không chỉ cho đối phương mà còn là tha thứ cho chính bản thân mình. Đó không phải là sự bao dung, mà đó là ý thức trách nhiệm của một người đã trưởng thành. Ý thức trách nhiệm sẽ mở ra lối tư duy rộng, cải thiện bản thân, xây dựng mình trở thành phiên bản tốt hơn để không lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
————–
3. Khả năng kiềm chế cơn nóng giận
Không thể phủ nhận rằng cơn nóng giận chính là liều thuốc độc giết chết các mối quan hệ. Những lời nói và hành động bộc phát từ cơn nóng giận chính là những điều khiến người ta phải hối hận và luyến tiếc nhất. Cơn giận đã tàn phá một con người lịch thiệp, làm căng thẳng tình huống và kéo dài thời gian tổn thương của cả 2 phía. Điều đó không chỉ tiêu cực với người lớn mà cũng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ nhỏ.
Để kiểm soát được cơn nóng giận trong người là cả một quá trình rèn luyện và tu thân. Luyện tập được khả năng trút bỏ cơn giận là một đặc điểm quan trọng giúp ta nhanh lấy lại thăng bằng. Khi người ta không giận dữ, là lúc người ta cho phép bản thân được bình yên và sáng suốt.
————–
4. Nhúng mình vào môi trường năng lượng tốt
Những người đang khủng hoảng và trầm cảm sau ly hôn rất cần đến một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ xung quanh họ.
Cộng đồng đó có thể là gia đình, là những người bạn, là một câu lạc bộ ngoại ngữ, là một lớp học yoga, là hội nhóm yêu du lịch, thích trồng cây… Hãy nhúng mình vào những môi trường cộng đồng – nơi nào mà bạn sẵn sàng nói và họ sẵn sàng lắng nghe, bạn sẽ được chia sẻ, được trải nghiệm, được thấu hiểu và được truyền thêm những động lực giá trị nâng cao chất lượng cuộc sống. Có một môi trường tốt là liệu pháp nhanh chóng thúc bạn vượt qua khỏi áp lực cô đơn.
————–
5. Lựa chọn cái nhìn lạc quan và tích cực
Ly hôn vẫn thường được xem là một tình trạng tiêu cực của mối quan hệ vợ chồng. Góc nhìn đó không sai, nhưng đó không phải là góc nhìn duy nhất định nghĩa cuộc sống của bạn. Cuộc sống đa chiều với muôn màu muôn vẻ, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một góc nhìn mới – mang đến cho bạn những giá trị tích cực hơn. Ly hôn hạnh phúc, tại sao không?
Sau ly hôn, người lạc quan sẽ nhận được trải nghiệm và bài học giá trị, còn người bi quan lại chỉ nhận toàn đắng cay và mất mát. Đó không phải là sự bất công của cuộc sống, mà đó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân.
Ngã ở đâu thì đứng lên từ đó mà đi tiếp, đừng ngã ở đó rồi vĩnh viễn chôn chân dừng bước hành trình. “Sự tiến hóa” của chia tay chính là người ta ít ồn ào hơn và đón nhận nó một cách bình an hơn.