Giai đoạn ly thân là giai đoạn nhạy cảm của cuộc hôn nhân, phụ nữ cần đặc biệt ghi nhớ 4 điều sau để không vướng phải các rắc rối về pháp lý khi đang ly thân.
-
Không chung sống như vợ chồng với người khác
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình thì cấm các hành vi sau đây:
‘Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”
Khi ly thân, quan hệ hôn nhân vẫn chưa kết thúc, do đó việc chung sống như vợ chồng với người khác sẽ vi phạm nguyên tắc hôn nhân 1 vợ – 1 chồng theo luật định.
2. Không để có con với người đàn ông khác
Căn cứ theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 về xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Theo đó, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Hay nói cách khác, phụ nữ sinh con với người đàn ông khác khi chưa ly hôn với chồng thì con sinh ra vẫn được xác định là con của người chồng trên giấy tờ. Do đó, phụ nữ sẽ không thể tự mình làm khai sinh cho con có tên cha đẻ của bé được mà trên khai sinh sẽ xác định người chồng trên giấy tờ là cha.
Để giải quyết việc trên, cần phải thực hiện thêm thủ tục xác định cha cho con tại tòa án, khi có bản án/ quyết định của tòa về việc xác định quan hệ cha con thì mới có thể làm khai sinh có tên cha đẻ của bé được.
Xem thêm
Khi phụ nữ ngoại tình có con riêng sẽ gặp nhiều rắc rối hơn so với đàn ông
3. Không mua thêm nhà, đất khi đang ly thân
Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 về tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Theo đó, các tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, nếu không có văn bản thỏa thuận đó là tài sản riêng thì đều được xem là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, sẽ có thể dẫn đến các tranh chấp về tài sản khi giải quyết ly hôn.
4. Không thể tự mình định đoạt tài sản
Cũng theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 về Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Việc mua các tài sản như bất động sản không cần phải có sự đồng ý của 02 vợ chồng, tuy nhiên việc bán các tài sản này thì lại cần có sự đồng ý của đối phương. Xuất phát từ việc bất động sản hay tài sản khác mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, mặc dù chỉ đứng tên 01 người làm chủ sở hữu nhưng chưa đủ căn cứ để xác định đây là tài sản riêng của người đó. Do đó, cần có thêm văn bản thỏa thuận về tài sản riêng trong hôn nhân hoặc chữ ký đồng ý của người vợ/chồng về việc chấp nhận chuyển nhượng, tặng cho,… tài sản này.
Xem thêm
Trong thời kỳ hôn nhân chia tài sản chung thì sẽ phát sinh các hậu quả nào?